HẬU TRƯỜNG SÂN CỎ
Quá nhiều tiền bản quyền truyền hình đang báo hại Premier League
Quá nhiều tiền bản quyền truyền hình đang báo hại Premier League

Có những nghịch lý tồn tại ở bóng đá Anh những gần đây, rằng một cầu thủ nhận lương rất cao trong khi đội bóng của anh ta thậm chí đang ngấp nghé bên bờ vực xuống hạng. Đã đến lúc, các nhà quản lý phải điều chỉnh hành vi trả lương từ phụ thuộc vào phong độ của cầu thủ tới dựa trên thành tích của toàn đội.
Trong buổi hội thảo dành cho các nhà khoa học nghiên cứu bóng đá tại trường ĐH danh giá MIT ở Hoa Kỳ, người ta chỉ ra những CLB hàng đầu nước Anh thường trả lương cho cầu thủ dựa theo một giao kèo dài 8 trang giấy với chi chít các phương trình đại số diễn giải về biên độ lợi nhuận mà cầu thủ được hưởng tùy thuộc vào đóng góp của anh ta với CLB: Số trận ra sân, lượng bàn thắng, số pha kiến tạo, quỹ thời gian tập luyện...
Nhưng đại đa số cầu thủ không mấy quan tâm tới những phép toán phức tạp kia, và họ sẽ chỉ nhắm mắt ký tên vào hợp đồng ngay sau khi biết được con số cuối cùng mình nhận về cho mỗi bàn thắng là bao nhiêu tiền.
Những CLB ở nửa dưới BXH, thường có thói quen thưởng cầu thủ dựa vào kết quả của 6 vòng đầu tiên và 6 vòng cuối cùng. Cứ mỗi một kết quả không thua là sẽ có một khoản tiền được chia đều cho cầu thủ chảy thẳng từ tài khoản gói phân chia bản quyền truyền hình.

Tiền BQTH quá lớn ở Premier League khiến mức lương thưởng cũng tăng phi mã
Nhưng chẳng may trong trường hợp một trong số các đội này phải xuống hạng ngay từ vòng 32 thì làm sao? Nghĩa là kể cả khi đối mặt với khoản thâm hụt hơn 100 triệu bảng vì phải xuống hạng, đội vẫn phải trả tiền thưởng cho cầu thủ trong 6 vòng đấu cuối vô thưởng vô phạt hoàn toàn không có ý nghĩa về mặt điểm số.
Ở Championship (giải hạng Nhất), các đội từ thứ 3 tới thứ 6 sẽ mặc định thưởng 8 triệu bảng chia đều cho toàn đội vì chiến tích giành vé đá play-off. Và trên thực tế, chỉ 1/4 CLB này được lên chơi ở Premier League và rõ ràng, tỷ lệ 75% trượt suất thắng hạng là quá rủi ro để các CLB này chi đậm tới 8 triệu bảng - tương đương 1/2 quỹ lương của một CLB hạng dưới trong 12 tháng.
Đấy là 3 trong số muôn vàn ví dụ về văn hóa "trả lương" của bóng đá Anh. Ngoài mức lương cố định thì phần thưởng thêm - khoản tiền chiếm 1/3 thu nhập của một cầu thủ chuyên nghiệp tại Anh - từ lâu đã là đặc sản thu hút nhân tài của các CLB xứ sương mù. Cứ mỗi bàn thắng, kiến tạo, tắc bóng, quota định mức số lần ra sân là cầu thủ tự động nhận thêm một khoản tiền tùy theo chính sách của CLB và thỏa thuận giữa hai bên.

Gói bản quyền truyền hình màu mỡ là nền tảng cho phép các CLB Anh duy trì cách thưởng này. Nhưng thử tưởng tượng, ngoại trừ số ít những CLB quá mạnh thì việc chia tiền thưởng dựa theo đóng góp cá nhân thực chất là tư duy tài chính tương đối mạo hiểm.
Đành rằng cầu thủ A chơi hay nhưng cái "hay" đấy cần phải đặt trong thành tích chung của đội. Với những đội năm nào cũng ngấp nghé trong cuộc đua chống xuống hạng, viễn cảnh mất 100 triệu bảng vì xuống hạng luôn lơ lửng trên đầu họ. Ngược lại, với những đội ở nửa trên muốn cạnh tranh vé đi châu Âu, việc nằm ngoài tốp 6 sẽ khiến tài khóa của họ mất đi tối thiểu 40 triệu bảng.
Nhằm hạn chế hiện trạng "bong bóng kinh tế" và giúp các CLB tránh khỏi cảnh "vỡ nợ" khi gặp phải biến cố, đặc biệt là những đội bóng có tiềm lực tài chính vừa và nhỏ, Ian Lynam - luật sư đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành thương mại bóng đá đưa ra giải pháp: Trả lương thưởng cho cầu thủ dựa vào kết quả cuối mùa của đội.
Qua các phép tính số học, Lynam đưa ra một công thức mẫu. Cầu thủ chỉ nhận 66% lương cố định - tức là bất kể phong độ cá nhân và thành tích tập thể ra sao vẫn luôn có một khoản tiền không thay đổi. 12,5% là dựa trên kết quả có được dự Cúp châu Âu của đội hay không, 12,5% tiếp theo phụ thuộc vào tiêu chí cầu thủ này có chơi đủ tối thiểu 60% số trận của đội/mùa hay không và phần còn lại mới là bàn thắng, kiến tạo và các chỉ số chuyên môn cá nhân khác.
'"Nếu đội A bị dẫn trước 0-3 trước giờ nghỉ và trong hiệp hai, tiền đạo X của đội A ghi 2 bàn thì điều đó có nghĩa là gì? Anh X lập cú đúp và... đội A vẫn thua đúng không? Thành tích cá nhân chỉ có nhiều ý nghĩa khi tương xứng với kết quả của CLB. Nói vậy không phải là phủ nhận năng lực của cầu thủ, nhưng cầu thủ cần hy sinh nhiều hơn vì CLB", Lynam chia sẻ.

Ông nói tiếp: "Tiền bản quyền truyền hình đang làm hỏng bóng đá Anh. Ngay cả đội đứng bét bảng còn nhiều tiền hơn đội vô địch Bundesliga thì cầu thủ cứ vin vào đấy để đòi khoản thưởng cao". Lynam từng giải quyết một vụ mua bán mà CLB tin rằng cầu thủ này xứng đáng nhận 150.000 bảng/tuần, nhưng chỉ trả cố định 85.000 bảng và phần còn lại phải phụ thuộc vào kết quả của CLB.
Kể từ mùa giải 2017/18, sẽ có ít nhất hai CLB (tới từ thành phố Manchester) thử nghiệm phương pháp trả lương kiểu mới này trước thực trạng, quỹ lương bóng đá Anh đã phình to tới 1.000% chỉ sau 10 năm.